Liên đội Trường THCS Ngọc liệp, kết quả cuộc thi viết thư UPU.
Liên đội THCS Ngọc Liệp
LIÊN ĐỘI THCS NGỌC LIỆP HƯỞNG ỨNG TÍCH CỰC CUỘC THI VIẾT THƯ UPU LẦN THỨ 51 NĂM 2022
Thực hiện công văn số 12/PGDĐT ngày 17 tháng 1 năm 2022 về việc tham gia cuộc thi viết thư UPU lần thứ 51 năm 2022 với chủ đề “ Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”.
Liên đội THCS Ngọc Liệp phát động và triển khai tới toàn bộ đội viên trong Liên đội. Mặc dù trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều học sinh thuộc diện F0 phải học trực tuyến tại nhà nhưng các em vẫn hưởng ứng và tham gia cuộc thi tích cực.
Chỉ trong 20 ngày phòng Đội đã bắt đầu xuất hiện những lá thư của các đội viên trong các Chi đội. Toàn Liên đội đã chọn ra được 150 lá thư chất lượng và được tham gia vào vòng chấm sơ khảo cấp trường.
Các thầy cô trong tổ KHXH cụ thể là chuyên môn Ngữ văn đã ngày đêm chấm bài dự thi của các em và mỗi khối đã chọn ra được 1 bài đạt giải Nhất, 1 bài giải Nhì, 1 bài giải Ba và 1 bài giải Khuyến khích.
Theo nhận xét của các thầy cô trong Ban giám khảo thì hầu hết các em đã nói lên được suy nghĩ của mình về tình trạng khủng hoảng của khí hậu và đề xuất được một số ý kiến với các nhà lãnh đạo của Nhà nước.
Sau đây tôi xin giới thiệu một trong số những bài thi xuất sắc đạt giải Nhất khối 9 đến từ em: Đỗ Thúy Quỳnh học sinh lớp 9A
Người viết bài
GV-TPT
Phí Thị Liên
Họ và tên học sinh : Đỗ Thúy Quỳnh
Giới tính : Nữ
Ngày tháng năm sinh : 19/7/2007
Dân tộc : Kinh
Học sinh lớp : 9A
Trường : THCS Ngọc Liệp
Huyện : Quốc Oai
Thành phố : Hà Nội
BÀI DỰ THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 51 – 2022
Chủ đề: “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lí do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu.”
Bài làm
Ngày 09 tháng 2 năm 2022
Kính gửi bác Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc!
Thưa bác! Cháu là một học sinh THCS có nguyện vọng viết bức thư này để bày tỏ quan điểm và sự quan tâm của mình cũng như mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào tiếng nói chung của nhân loại về vấn đề khí hậu hiện nay.
Có thể nói, trong cuộc sống hiện nay khủng hoảng khí hậu là một vấn đề không mới nhưng mỗi lần được nhắc tới là lại khiến chúng ta phải đau đầu và không thôi suy nghĩ về nó. Có một câu nói mà cháu từng rất tâm đắc khi đọc được nó, bác ạ!: “Mẹ thiên nhiên đang khóc vì bà đang chết dần chết mòn trong biển rác cho chính những đứa con thân yêu của mình tạo ra…”. Những hành động vô tình đó của con người phải chăng có thể quy vào hai chữ “vô ơn”? Qua những thông tin mà đài báo đã đưa tin và thực tế cuộc sống cho thấy khủng hoảng khí hậu đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với hành tinh xanh của chúng ta, đặc biệt là đối với những công dân của Trái Đất. Có những ngày nắng nóng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản nhiệt độ lên tới 50oC; những kẻ “khổng lồ đen” cuồn cuộn xông ra từ các nhà máy; đôi mắt đầy ắp nỗi buồn của chú gấu bên cạnh những dòng sông băng lạnh giá hay cảnh người dân ở Lào Cai ( Việt Nam ), đau đớn, suy sụp về thu lượm những thứ còn sót lại sau cơn lũ quét lũ ống và hồi tháng 7/2021 khiến 15 nhà dân bị ngập lụt, trên 30 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng, cuốn trôi; giao thông từ Lào Cai đi Lai Châu trên Quốc lộ 4D ùn tắc trong nhiều giờ ; hay những cánh rừng xanh mướt ở dãy Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sau trận cháy lớn vào hồi tháng 6 /2019 đã nhuốm một màu đen.… Có lẽ đây là một hình phạt nặng nề của mẹ thiên nhiên đối với những hành vi của con người. Cháu đã suy nghĩ về điều đó rất lâu, rồi nhận ra rằng đã đến lúc mình cần phải làm gì đó, cho dù là một việc rất nhỏ để giúp thế giới này. Và việc đầu tiên cháu muốn làm là viết thư để kể những điều này cho bác.
Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng mang tính toàn cầu, là một cuộc chiến khó khăn của con người trong việc phục hồi và bảo vệ thiên nhiên. Vì một bầu trời xanh và những làn mây trắng, vì một “thế giới nước” sạch sẽ của những loài sinh vật biển và vì một cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân, tại sao chúng ta lại không bắt tay vào làm những hành động thiết thực ngay bây giờ. Cháu thiết nghĩ, chúng ta nên cắt giảm việc sử dụng bao bì nilong bằng việc đánh thuế cao hơn mức bình thường vào mặt hàng này, khuyến khích sử dụng túi giấy, túi vải, lá chuối khi đi chợ; nghiêm cấm và áp dụng tăng mức tiền phạt cho các hành vi phá hoại môi trường, xả rác bừa bãi nơi công cộng; các nhà máy đi vào hoạt động phải được yêu cầu có bộ lọc chất thải khi thải ra môi trường; khuyến khích sự sáng tạo của nhân dân trong việc tái chế đồ qua sử dụng; trồng nhiều cây xanh vẫn là quốc sách lâu dài của đất nước; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường… Cuối cùng, nói đi cũng phải nói lại, điều cốt lõi mang tính nền tảng làm nên thành công của một vấn đề chính là sự chung tay đồng thuận của nhân dân. Bác Hồ ta từng dạy: “Dân ta nhớ một chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” bảo vệ môi trường, đẩy lùi nạn khủng hoảng khí hậu không chỉ là vấn đề cấp thiết của quốc gia mà còn là nhiệm vụ của toàn dân, của từng người, từng nhà, từng địa phương, góp phần vào sự thành công của việc đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm môi trường
Đến đây thư đã dài, cháu xin được dừng bút lại đây, cháu tin rằng Đảng và Nhà nước sẽ có những động thái quyết liệt hơn nữa và tiếp tục đồng hành, sát cánh với nhân dân trong cuộc chiến lâu dài và đầy cam go này.
Kí tên
Đỗ Thúy Quỳnh